This is default featured slide 1 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 2 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 3 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 4 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 5 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Ðiều trị lách to thế nào?

Đào Văn Mạnh (daomanh77@gmail.com )

Lá lách là một cơ quan nhỏ nằm ngay dưới lồng xương sườn trên bên trái. Ngoài vai trò thành viên của hệ huyết học, lách còn là một bộ phận của hệ thống miễn dịch, tạo ra kháng thể chống lại các vi khuẩn, ký sinh trùng, virut khi chúng đột nhập cơ thể. Lách thường to ra khi cơ thể bị nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng, một số bệnh gan, bệnh về máu,... Lá lách to có thể gây đau hay đầy bụng trên bên trái, có thể lây lan sang vai trái; thiếu máu, mệt mỏi, thường xuyên bị nhiễm khuẩn, dễ chảy máu.

Nếu lách to gây biến chứng nghiêm trọng điều trị nội khoa không kết quả có thể phẫu thuật cắt bỏ lá lách (cắt lách) là một lựa chọn. Đôi khi, xạ trị có thể thu nhỏ lá lách để có thể tránh được phẫu thuật. Trong thư bạn nói lách to nhưng không nói rõ nguyên nhân do bệnh về máu hay bệnh về gan hay do nhiễm ký sinh trùng (sốt rét). Nếu tiền sử có bệnh về máu như thalasemia thì sau cắt lách người bệnh vẫn khỏe mạnh.

Tuy nhiên, cần định kỳ mỗi tháng khám và điều trị thải sắt tại Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Trung ương hoặc Khoa Huyết học của bệnh viện tỉnh gần nhà. Tóm lại, bạn không nên quá bi quan, hãy đi khám sớm tại bệnh viện chuyên khoa để được tư vấn lựa chọn cách điều trị phù hợp. Chúc bạn mau lành bệnh.

BS. Vũ Ngọc Anh

Nguyên nhân gây hạ canxi máu

Hoàng Sơn(Thanh Hóa)

Hạ canxi máu thường liên quan đến tuyến cận giáp - một cụm tuyến có chừng 4 - 7 hạt nhỏ như hạt đậu nằm ẩn phía sau tuyến giáp trạng. Tuyến cận giáp đóng vai trò quan trọng trong chuyển hoá canxi, phospho. Các nguyên nhân gây hạ canxi máu: thức ăn thiếu canxi; sự hấp thu canxi của cơ thể bị giảm do bị những bệnh như: hội chứng kém hấp thu, thiếu vitamin D; canxi bị tăng đào thải do mắc bệnh suy cận giáp trạng, giảm canxi do giảm albumin huyết thanh, tăng phosphat máu, dùng thuốc kích thích beta 2 kéo dài, suy thận mạn tính, dùng thuốc lợi tiểu kiểu furosemid quá nhiều gây tăng đào thải canxi.

Triệu chứng của hạ canxi máu: tê bì đầu chi, lưỡi, quanh miệng, kèm cảm giác lo âu; co thắt các cơ ở đầu chi..., nếu nặng có thể có rối loạn nhịp tim. Trẻ em và người già nếu bị hạ canxi máu nặng có thể dẫn đến ngừng thở và tử vong. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ. Muốn phòng bệnh, cần tăng cường ăn các thực phẩm có chứa nhiều canxi như tôm, cua, cá, vừng, đậu nành, rau ngót, rau dền, sữa; tăng cường tắm nắng và tăng ăn dầu mỡ để hấp thu nhiều vitamin D.

BS.Nguyễn Hà

Vai trò của rượu trong đột biến gen gây bệnh cơ tim

Ở phần đầu của nghiên cứu, nhóm đã phân tích 141 bệnh nhân bị kiểu suy tim liên quan đến bệnh cơ tim do rượu. Tình trạng này khởi phát bởi uống nhiều hơn 70 đơn vị rượu mỗi tuần (khoảng 7 chai rượu vang) trong hơn 5 năm. Trong các trường hợp nặng có thể tử vong và buộc bệnh nhân phải được thay tim. Nhóm nghiên cứu thấy các gen khiếm khuyết titin cũng đóng vai trò trong bệnh này, có 13,5% bệnh nhân được thấy có mang đột biến gen cao hơn nhiều so với người bị đột biến gen trong dân số tổng quát. Những kết quả này cho thấy không chỉ đơn thuần là tình trạng nhiễm động rượu mà còn tăng khả năng biến đổi gen.

Vai trò của rượu trong đột biến gen gây bệnh cơ tim

Theo tiến sĩ James Ware ở Viện tim phổi quốc gia thì nghiên cứu này cho thấy rượu và gen tương tác nhau, việc biến đổi gen và dùng rượu cùng nhau đưa đến tình trạng suy tim. Các chuyên gia cho rằng cần phải kiểm tra nguyên nhân gen bằng cách hỏi tiền sử gia đình và thực hiện xét nghiệm gen titin.

Ở phần sau của nghiên cứu, các chuyên gia khám phá xem rượu đóng vai trò trong các kiểu khác của bệnh cơ tim giãn nở không. Khảo sát cho thấy có đến 12% các trường hợp bệnh cơ tim dãn nở có liên quan đến gen titin. Khảo sát 716 bệnh nhân bệnh cơ tim giãn nở xem uống rượu như thế nào, không có bệnh nhân nào uống lượng rượu cao cần thiết để gây ra đột biến gen. Tất nhiên việc uống rượu mức trung bình thôi cũng đã có thể gây ra những bất lợi và tạo đột biến gen titin ở người bị bệnh cơ tim dãn nở.

MINH THƯ

((Theo Journal of the American College of Cardiology, 6/2018))

Đau khớp háng không rõ nguyên nhân, nam bệnh nhân bị u ổ cối xương chậu hiếm gặp

Các bác sĩ Khoa Ngoại bụng 2, bệnh viện K đã phối hợp với chuyên gia chấn thương chỉnh bệnh viện ĐH Y Hà Nội và BVĐK Xanh Pôn phẫu thuật tạo hình thành công, phục hồi chức năng khớp háng cho nam bệnh nhân 28 tuổi bị u ổ cối xương chậu hiếm gặp.

Đau khớp háng đi khám bất ngờ phát hiện khối u ở vùng ổ cối xương chậu

Người nhà bệnh nhân Hoàng Đình H. quê ở Bắc Giang cho biết 1 năm qua anh H. thường xuyên bị đau khớp háng trái gây trở ngại lớn trong sinh hoạt hàng ngày, anh H. đã đi khám nhưng không phát hiện được tổn thương, bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm.

Đến khi không chủ động đi lại được, phải di chuyển phụ thuộc vào nạng thì gia đình mới đưa anh lên bệnh viện tuyến tỉnh kiểm tra lại. Các bác sĩ nghi ngờ anh có khối u ở vùng ổ cối xương chậu nên yêu cầu bệnh nhân chuyển xuống bệnh viện K.

Khối u vùng ổ cối xương chậu

Sau khi thăm khám và làm các chỉ định cần thiết, các bác sĩ bệnh viện K nhận định có một khối u ở vùng ổ cối xương chậu phá huỷ gần hoàn toàn ổ cối và phát triển vào ổ bụng bệnh nhân tạo thành một khối đường kính khoảng 10cm. Kết quả sinh thiết chẩn đoán xác định u tế bào khổng lồ.

Chỉ định phẫu thuật được đặt ra với mong muốn lấy bỏ khối u triệt để và tạo hình lại khớp háng để giúp cho bệnh nhân sinh hoạt vận động trở lại.

Ngay sau đó, bệnh nhân được hội chẩn toàn bệnh viện cùng với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành của khoa chấn thương chỉnh hình của bệnh viện Đại Học Y Hà Nội và BVĐK Xanh Pôn đưa ra phương án để lấy bỏ khối u.

Tuy nhiên vị trí phát triển của khối u từ phía ổ cối tương ứng với khu vực khuyết mẻ hông lớn và bé, nơi có dây thần kinh ngồi cùng với các bó mạch thần kinh mông trên và mông dưới đi qua, đây là khu vực hiểm yếu, có nguy cơ tai biến trong phẫu thuật rất cao. Sự phá huỷ hoàn toàn vùng đáy ổ cối làm cho khớp háng mất chức năng gần hoàn toàn, bệnh nhân không có khả năng tỳ đè chịu lực trên chân tổn thương, còn các động tác vận động không chịu lực của khớp háng.Trước nhiều khó khăn và thách thức, nhưng nếu không phẫu thuật bệnh nhân có thể đứng trước nguy cơ mất khớp háng, mất chức năng hoàn toàn dẫn đến liệt do đó các bác sĩ vẫn quyết định sẽ phẫu thuật “cứu đôi chân” của bệnh nhân H.

Nhiều chuyên ngành phối hợp và hai tư thế phẫu thuật để "cứu đôi chân"

Kíp phẫu thuật gồm các bác sĩ khoa Ngoại bụng 2: BS. Nguyễn Trần Quang Sáng, BS.Hoàng Tuấn Anh, BS.Nguyễn Minh Trọng, BS.Hoành Minh Sâm cùng kíp gây mê hồi sức bệnh viện K phối hợp với PSG.TS Trần Trung Dũng, Phó Giám đốc BVĐK Xanh Pôn tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân H.

Phim chụp sau phẫu thuật của bệnh nhân H

PSG.TS. Trần Trung Dũng cho biết: “đây là ca bệnh khó đòi hỏi sự phối hợp đồng thời giữa các thầy thuốc chuyên khoa với hơn 10 bác sĩ phẫu thuật, gây mê hồi sức, ung thư và chấn thương chỉnh hình”.

Để phẫu thuật cho bệnh nhân H, các bác sĩ chia sẻ có 2 hướng tiếp cận: một là qua đường mở vào khớp háng và tiếp cận khối u qua ổ cối; hai là tiếp cận qua đường ổ bụng, vào khối u trực tiếp và mặt trong cánh chậu và đáy ổ cối.

“Do vị trí khối u gần các cấu trúc mạch và thần kinh, hơn nữa khả năng chảy máu rất cao đồng thời lối tiếp cận từ phía ổ cối qua đường vào khớp háng chật hẹp (đường kính ổ cối khoảng 5-6cm trong khi đường kính khối u trong bụng khoảng 10cm) nên khi can thiệp kíp phẫu thuật quyết định sử dụng 2 đường mổ phối hợp”- đại diện kíp phẫu thuật cho biết.

Sau khi gây mê, bệnh H. phải phẫu thuật với 2 tư thế: nằm ngửa cho đường mổ bụng và nằm nghiêng cho đường mổ khớp háng. Đường mổ khớp háng phía ngoài rộng rãi để thăm dò ổ cối cánh chậu để cân nhắc phương án tạo hình lại khớp sau khi lấy bỏ khối u. Đường mở vào ổ bụng qua đường trắng giữa dưới rốn, kiểm soát bó mạch chậu trong, loại bỏ trọn vẹn khối u, làm sinh thiết tức thì đánh giá đảm bảo triệt để, cầm máu kỹ và sử dụng xi măng sinh học để phục hồi một phần khuyết xương cánh chậu và ổ cối.

Bệnh nhân H. dần hồi phục đi lại sau 1 tháng phẫu thuật.

Cùng với đó, các bác sĩ lựa chọn phương án tạo hình lại khớp háng với khớp háng nhân tạo có sử dụng rọ ổ cối để cố định ổ cối nhân tạo lên cả phần cánh chậu lành. Kíp phẫu thuật kiểm tra kỹ, đặt dẫn lưu và phục hồi giải phẫu của bao khớp và phần mềm. Sau 6 giờ "đấu trí" cam go, ca phẫu thuật đã diễn ra thành công, khối u được lấy bỏ triệt để, không có tai biến tổn thương thần kinh, khớp háng được phục hồi bằng khớp háng nhân tạo giúp cho bệnh nhân có thể tập luyện dần trở lại.

“Ca phẫu thuật thành công ngoài sự mong đợi của gia đình bệnh nhân và anh H. là động lực lớn để các bác sĩ chúng tôi tiếp tục theo đuổi công việc đầy khó khăn nhưng vô cùng ý nghĩa này”. BS. Trần Quang Sáng, Khoa Ngoại bụng 2 chia sẻ.

Thái Bình- Trần Hà

Các “phương thuốc” chữa thoát vị đĩa đệm

Vòng sợi bao quanh bị rách, nhân nhầy thoát ra ngoài khỏi vị trí giữa hai đốt sống, thường là về phía sau gây chèn ép tủy sống hoặc các rễ thần kinh - Hiện tượng này gọi là thoát vị đĩa đệm.

Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm cột sống, trong đó phải kể đến các nguyên nhân hàng đầu là các chấn thương cột sống, sau đó là các tư thế xấu trong lao động. Các chấn thương vào vùng cột sống như ngã ngồi đập mông xuống đất, chấn thương tác động trực tiếp vào vùng cột sống hoặc các tư thế xấu như cúi, nghiêng hay xoay người nhấc vật nặng, đặc biệt nhấc vật nặng ở cách xa người dễ gây thoát vị đĩa đệm. Sở dĩ như vậy vì lúc đó có một lực ép tác động nên các đốt sống và đĩa đệm với phân bố lực không đều: khe giữa hai đốt sống ở phía trước khép lại ép nhiều vào phần trước đĩa đệm trong khi ở phía sau khe lại mở rộng ra dẫn đến đẩy nhân nhày chui ra khỏi lỗ rách vòng sợi về phía sau, chui vào ống sống gây chèn ép rễ thần kinh hay tủy sống.

thoát vị đĩa đệm

Phương pháp điều trị bệnh

Tùy theo tính chất tổn thương, vị trí, biến chứng cũng như mức độ ảnh hưởng tới khả năng vận động, lao động và sinh hoạt của người bệnh mà cân nhắc tới các biện pháp điều trị bảo tồn và điều trị can thiệp phẫu thuật. Điều trị bảo tồn bao gồm các biện pháp như: nghỉ ngơi; vật lý trị liệu xoa bóp, tắm suối khoáng, đắp bùn; chiếu đèn hồng ngoại, sóng ngắn, điện phân, đắp dầu paraphin... Có thể dùng các biện pháp như tác động cột sống, kéo giãn cột sống trong điều trị bệnh. Ở một vài tuần đầu tiên, khi tổn thương thoát vị đĩa đệm còn mới chưa bị xơ hóa, việc tác động cột sống làm giãn các mâm sống và dịch chuyển phần đĩa đệm bị lồi trở lại vị trí bình thường. Kéo giãn cột sống bằng dụng cụ cũng có tác dụng tương tự, chỉ định cho lồi hoặc thoát vị đĩa đệm. Mặc áo nẹp cột sống có tác dụng cố định tạm thời, hạn chế các động tác lên vùng cột sống tổn thương, qua đó giảm lực tác động lên đĩa đệm.

Biện pháp dùng thuốc bao gồm các thuốc giảm đau đơn thuần như paracetamol; giảm đau chống viêm không steroid như diclofenac, meloxicam... uống, tiêm hoặc bôi tại chỗ. Lưu ý các thuốc trên dùng đường toàn thân có thể ảnh hưởng tới dạ dày, chức năng gan, thận... Các thuốc giãn cơ như mydocalm, myonal được chỉ định trong trường hợp co cứng cơ cạnh cột sống. Có thể bổ sung các thuốc bổ thần kinh như vitamin B1, B6, B12; các thuốc giảm đau thần kinh như neurontin.

Nhìn chung không có chỉ định dùng thuốc giảm đau chống viêm loại steroid như prednisolon, dexamethason... đường toàn thân vì có nhiều tác dụng phụ. Một số trường hợp hãn hữu như đau nhiều không đáp ứng với các biện pháp trên, đặc biệt kèm phù tủy có thể methylprednisolon đường tĩnh mạch liều cao, ngắn ngày, giảm liều nhanh nhưng phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa và phải được theo dõi chặt chẽ các biến chứng.

Đối với đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, có thể áp dụng biện pháp dùng thuốc tại chỗ là tiêm ngoài màng cứng bằng hydrocortison với liệu trình mỗi đợt 3 mũi, mỗi mũi cách nhau 3-7 ngày cũng cho hiệu quả giảm đau khá tốt. Tuy nhiên, việc tiêm ngoài màng cứng phải được thực hiện tại cơ sở chuyên khoa khớp có kinh nghiệm, trong điều kiện tuyệt đối vô khuẩn.

Gần đây, người ta bắt đầu sử dụng tia laser, sóng radio qua da để điều trị đau do thoát vị đĩa đệm. Đây là các phương pháp an toàn, tuy nhiên chỉ có hiệu quả khi chỉ định trong những trường hợp nhẹ, nhân nhầy mới chỉ lồi vào ống sống và không có các tổn thương kèm theo như gai xương, xẹp trượt đốt sống hay phối hợp dày dây chằng vàng.

Phương pháp phẫu thuật ngoại khoa được chỉ định trong các trường hợp sau: thoát vị đĩa đệm gây hội chứng đuôi ngựa (biểu hiện bí đại tiểu tiện, mất cảm giác đau xung quanh hậu môn và bộ phận sinh dục); có liệt chi; đau quá mức, các thuốc giảm đau không hoặc rất ít tác dụng; sau khoảng 6 tháng áp dụng các biện pháp điều trị nội khoa không có kết quả. Phẫu thuật nhằm giải phóng rễ thần kinh khỏi bị chèn ép, bao gồm các biện pháp: Kinh điển là mổ cắt cung sau lấy bỏ khối thoát vị - nhìn chung là can thiệp rộng, nhiều biến chứng về sau, đặc biệt là tái phát đau do vết mổ cũ xơ dính. Về sau, các kỹ thuật được cải tiến hơn như phẫu thuật mở nhỏ (mini- open); cắt bỏ đĩa đệm qua da; mổ nội soi lấy nhân thoát vị; mổ nội soi hút nhân nhầy... Trường hợp tổn thương có trượt đốt sống phối hợp gây mất vững có thể cố định cột sống bằng khung kim loại. Phẫu thuật thay đĩa đệm mới nhìn chung ít được chỉ định.

Cách nhận biết bệnh thoát vị đĩa đệm

Ðau cột sống và đau rễ thần kinh là các triệu chứng nổi bật nhất của bệnh. Ðau thường là dấu hiệu xuất hiện đầu tiên, đau tăng khi làm các động tác gây căng dây thần kinh, đau khi vận động, giảm khi nằm nghỉ. Khi đau, người bệnh có tư thế ngay lưng hay vẹo cột sống về một bên để chống đau kèm cơ cạnh cột sống co cứng. Có khi đau âm ỉ nhưng thường đau dữ dội, đau tăng khi rặn, ho, hắt hơi, cúi. Ðau thường tái phát nhiều đợt, mỗi đợt kéo dài khoảng 1-2 tuần sau đó lại khỏi bệnh. Dần dần, đau trở nên thường xuyên, kéo dài nếu không được điều trị. Có thể có cảm giác kiến bò, kim châm tương ứng với vùng đau và thường xuất hiện sau đau. Teo cơ, yếu cơ thường xuất hiện muộn do hạn chế vận động vì đau, thường sau một thời gian khá dài mới nhận thấy. Tuỳ theo vị trí đĩa đệm thoát vị có thể có các triệu chứng khác nhau. Do đó, khi bệnh nhân thấy đau cần đến gặp bác sĩ để được khám, chẩn đoán và tư vấn điều trị.

ThS. Bùi Hải Bình

Cách phòng sốc nhiệt cho trẻ khi đi xe hơi

Với nền nhiệt như vậy, ôtô đỗ ngoài trời vào mùa hè có thể biến thành một chiếc lò nướng và có thể khiến trẻ gặp nguy hiểm do sốc nhiệt.

Nguy cơ của một chiếc xe ôtô bị tăng nhiệt khi tham gia giao thông

Trong một chiếc xe ôtô bị tăng nhiệt khi lưu thông, chỉ cần 10-15 phút có thể gây tổn thương não và các bộ phận quan trọng trong cơ thể trẻ. Khi nhiệt độ trong cơ thể trẻ đạt tới 40oC, các cơ quan quan trọng của trẻ sẽ ngừng hoạt động và khi nhiệt độ cơ thể đạt tới 42oC thì trẻ sẽ có nguy cơ tử vong cao.

Hãy thử điểm lại các thông tin được công bố bởi Bộ Giao thông Hoa Kỳ:

Một đứa trẻ 9 tháng tuổi chết sau khi bị “nhốt” trong ghế an toàn trẻ em trong một chiếc xe tải nhỏ trong 2 giờ đồng hồ do sự hiểu lầm của cha mẹ dẫn đến đứa trẻ bị bỏ lại một mình trong xe; cha mẹ bé tin rằng bé ở nhà với người khác.

Một đứa trẻ 23 tháng tuổi đã chết khi một đứa trẻ lớn trông nom em bé, đưa em bé vào trong xe để đi đến cửa hàng, trở về nhà vì đã quên thứ gì đó, sau đó bị phân tâm bởi những chương trình trên tivi, rồi ngồi trên ghế dài để xem tivi, và ngủ thiếp đi, khi tỉnh dậy đã là 2 tiếng sau.

Việc bỏ trẻ trong xe một mình không chỉ khiến trẻ có thể chết vì sốc nhiệt mà còn có khả năng tử vong do ngạt khí, thiếu oxy... Hãy luôn để ý trẻ bên mình và luôn theo dõi trẻ mọi lúc mọi nơi.

Trẻ em sẽ mệt mỏi khi ngủ ngồi trên ôtô

Trẻ em sẽ mệt mỏi khi ngủ ngồi trên ôtô

Các biện pháp phòng tránh cho trẻ bị sốc nhiệt

Hiện tượng sốc nhiệt là tình trạng cần được chăm sóc y tế khẩn cấp đúng cách nếu không có thể dẫn đến nguy cơ gây tử vong. Các dấu hiệu của sốc nhiệt gồm có thân nhiệt cao, không có mồ hôi, da nóng đỏ và khô, mạch nhanh, khó thở...

Đừng để trẻ ở lại trong xe hơi khi bạn rời khỏi xe dù cửa sổ mở, động cơ vẫn làm việc, điều hòa đang hoạt động. Đặc biệt là vào một ngày nắng nóng, nhiệt độ trong xe có thể sẽ bị nóng nhanh chóng.

Nguy cơ sốc nhiệt tăng khi trẻ đang ở trong môi trường điều hòa mà bước ra ngoài trời rất nóng, hoặc từ ngoài trời nóng mà vào ngay phòng điều hòa hoặc điều hòa nhiệt độ quá thấp. Với thời tiết khoảng 39oC trở lên thì nguy cơ càng cao. Do vậy, khi xe đỗ ở ngoài trời nắng quá lâu, việc đầu tiên cần làm trước khi lên xe là mở cửa sổ để giảm bớt không khí nóng trong xe. Nếu như trẻ lên xe có mồ hôi nhễ nhại, cần lau khô người hoặc đợi người ráo mồ hôi rồi mới bật điều hòa để tránh cảm lạnh. Không nên bật lạnh sâu và gió lớn ngay từ đầu mà cần giảm nhiệt từ từ để cơ thể trẻ kịp thích nghi.

Tránh sốc nhiệt : Trước khi dừng hẳn xe vài phút nên tắt điều hòa và chỉ dùng quạt gió để giúp cơ thể trẻ dần làm quen với nhiệt độ bên ngoài. Hoặc có thể hạ kính xuống 1 chút để không khí có thể lưu thông.

Nội thất ôtô bề mặt nhựa của bảng điều khiển, ghế, ống dẫn khí có chất benzen có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Một chiếc xe hơi dưới ánh nắng mặt trời (khoảng 40oC) có lượng khí benzen lên cao. Người thường xuyên ở trong ô tô kín sẽ hít phải chất độc này và dễ mắc bệnh. Mức benzen sẽ giảm xuống khi bạn vệ sinh xe thường xuyên, bảo dưỡng, bảo trì xe định kỳ. Mở cửa xe trước khi bật điều hòa để trao đổi không khí trong và ngoài xe; không hút thuốc lá trong xe.

Khi phát hiện thấy trẻ trong xe có dấu hiệu mệt mỏi, khó chịu cần nhanh chóng đưa trẻ ra ngoài, nới lỏng quần áo và làm mát.

Ngăn ngừa nguy hiểm - Cách gì?

Luyện tập thói quen quan sát trước khi khóa cửa rời xe, cụ thể bạn kiểm tra ghế sau mỗi khi bạn ra khỏi xe ngay cả khi bạn không chở con mình. Làm điều này mỗi lần xuống xe sẽ hình thành thói quen của bạn.

Đưa con bạn ra khỏi xe trước, sau đó mới quan tâm đến việc đưa các vận dụng hay hàng hóa của bạn ra khỏi xe mỗi khi trở về nhà.

Đặt một món đồ chơi nhỏ ở vị trí dễ quan sát hoặc ghi ra giấy nhắc việc rằng bạn có con đang ở ghế sau; Hoặc bạn có thể đặt túi xách của mình ở hàng ghế sau khi vào xe và lấy chúng khi đi ra ngoài.

Luôn khóa xe và cất giữ chìa khóa đúng nơi quy định, để xa tầm tay trẻ em để con bạn không thể lấy chìa khóa và tự ý mở cửa xe, rồi lại chui vào và mắc kẹt trong xe.

Không để trẻ em chơi trong xe hơi mà không có sự giám sát của người lớn.

Cài đặt một cơ chế mở cửa xe dễ dàng, để chúng có thể tự thoát ra và không thể bị mắc kẹt trong xe.

Ứng dụng các thiết bị cảm biến đã được phát minh, có còi báo động khi có người lẻn vào xe.

Mặt khác, nếu bạn nhìn thấy một đứa trẻ một mình trong xe hơi, hãy gọi những bộ phận liên quan và giúp đưa đứa trẻ ra ngoài càng sớm càng tốt.

BS. Hoài Châu

Chứng đau ngực không do tim

Đau ngực nhiều khi không phải bệnh tim.

Đau ngực do dây thần kinh liên sườn

Có hai loại đau dây thần kinh liên sườn là nguyên phát và thứ phát. Khi bị đau nguyên phát, người bệnh có cảm giác đau liên tục một bên lưng, dần dần lan theo hướng chéo xuống dưới và ra trước tùy theo khu trú ở đoạn cột sống lưng trên hay dưới. Điểm đau rất rõ khi ấn vào những điểm lộ ra của những sợi thần kinh liên sườn, cạnh cột sống, đường giữa nách. Đối với đau thứ phát, bệnh nhân thường bị đau do bệnh lý đĩa đệm cột sống ngực, lao cột sống do tổn thương phổi - màng phổi, hay đau quặn gan, cần được chẩn đoán phân biệt.

Nhiều trường hợp đau do đĩa đệm của một đoạn cột sống, phần lớn là ở đoạn trên cột sống ngực thì bệnh nhân có cảm giác đau ở phía trong sâu mơ hồ, không có điểm đau rõ rệt khi ấn trên da. Khu vực đau thường gặp nhất là vùng liên bả vai, cạnh cột sống và vùng ngực trước tim dễ nhầm với cơn đau thắt ngực đe dọa nhồi máu cơ tim. Tỷ lệ bệnh lý đĩa đệm đoạn cột sống ngực chỉ chiếm 1,96% các chứng bệnh đĩa đệm cột sống toàn bộ.

Về điều trị: Cần tìm được nguyên nhân gây đau dây thần kinh liên sườn bằng các biện pháp cận lâm sàng (xét nghiệm, Xquang, chụp cắt lớp vi tính...). Sau đó người bệnh sẽ được bác sĩ điều trị theo nguyên nhân đã được xác định và xử trí theo hướng của viêm rễ thần kinh.

Đau ngực do hội chứng cơ bậc thang

Đau ngực do hội chứng cơ bậc thang.

Hội chứng cơ bậc thang đã được H.naffiger mô tả đầu tiên và Leriche tiếp tục nghiên cứu, còn được gọi là hội chứng ngách sườn - đòn, sau này còn gọi là hội chứng sườn cổ.

Trong khoang hẹp ở giữa cơ bậc thang trước và cơ bậc thang giữa có dây thần kinh cổ, đám rối thần kinh cánh tay và động mạch dưới đòn chạy qua, còn giữa cơ bậc thang trước và xương sườn có tĩnh mạch dưới đòn lách qua. Do sự liên quan giải phẫu như vậy nên một trong những thành phần kể trên có những biến đổi bất thường sẽ ảnh hưởng tới những bộ phận lân cận. Cũng vì vậy, người ta đã đưa ra định nghĩa: Hội chứng cơ bậc thang là những cơn đau kịch phát với những rối loạn thần kinh và mạch máu do động mạch dưới - đòn và đám rối thần kinh cánh tay bị kích thích hay chèn ép bởi xương sườn cổ, mỏm ngang đốt sống cổ quá dài hoặc những bất thường của một cơ bậc thang (phì đại hay thắt chặt).

Biểu hiện: đau và dị cảm ở vùng mặt trong cánh tay, cẳng tay, bàn tay và ngón 4, ngón 5. Đôi khi đau lan tới cả vùng chẩm và đặc biệt đau dội lên khi xoay đầu về phía tay đau hay sau khi thở vào sâu. Trường hợp đau lan xiên tới xương lồng ngực làm cho chẩn đoán nhầm với cơn đau thắt tim. Rối loạn vận động biểu hiện sức cơ yếu đi, trương lực cơ giảm dẫn đến teo cơ ở tay và mô út, nhưng đặc biệt là căng các cơ ở cổ, nhất là cơ bậc thang trước. Khi có rối loạn mạch máu, tay trở nên tê, tím tái, phù nề, lạnh chi. Trường hợp nặng hơn còn xuất hiện triệu chứng giảm nhẹ hoặc mất mạch quay.

Chẩn đoán dựa vào lâm sàng đặc trưng như đã nói trên và dấu hiệu Adson (mạch quay biến đổi hay mất khi ngồi, hai tay đặt trên đầu gối, thở thật sâu, đồng thời nâng cằm cao lên và cho quay đầu về phía bên tay đau) với kết quả chụp Xquang.

Đau ngực do dây thần kinh liên sườn: cần phân biệt đau nguyên phát và đau thứ phát, từ đó các bác sĩ sẽ điều trị theo nguyên nhân đã được xác định.

Đau ngực do hội chứng cơ bậc thang hay còn gọi là hội chứng sườn cổ sẽ gây những cơn đau kịch phát.

Hội chứng cơ bậc thang cần chẩn đoán phân biệt với:

- Hội chứng cơ ngực bé: Khi dạng cánh tay, cơ ngực bé đè ép động- tĩnh mạch dưới đòn và đám rối thần kinh cánh tay vào mỏm quạ của xương bả vai.

- Hội chứng sườn - đòn thường xảy ra ở những người làm việc nặng nhọc (đội, gánh, vác...), những cơ thể hình dải mảnh và suy ngược do đám rối thần kinh cánh tay bị chèn ép bởi xương đòn và xương sườn, cũng có bảng lâm sàng tương đối giống như của hội chứng cơ bậc thang.

- Đau tay dị cảm: đau và dị cảm ban đêm trong khu vực dây thần kinh trụ và gan bàn tay bị đau khi ấn. Hội chứng này thường gặp ở những người có tuổi do tư thế bất lợi của tay trong giấc ngủ sâu.

- Viêm đám rối thần kinh cánh tay: có nhiều triệu chứng tương tự như hội chứng sườn đùi.

Điều trị hội chứng cơ bậc thang, cũng tùy theo nguyên nhân điều trị theo triệu chứng chủ đạo: sử dụng thuốc giảm đau, chống thoái hóa các dây thần kinh, chống teo cơ, giữ tay ở tư thế chức năng.Điều trị bằng phẫu thuật nhằm mục đích loại trừ chèn ép vào các mạch máu - thần kinh, chỉ định cho những trường hợp đã được điều trị bảo tồn nhưng không đạt kết quả như mong muốn.

PGS. Vũ Quang Bích